Biến động thị trường, giá phế liệu trong nước chịu nhiều áp lực, có chiều hướng giảm. Nguồn cung cấp phế liệu vẫn đang khan hiếm, đặc biệt đối với các loại phế liệu chất lượng cao. Thị trường phế liệu nhập khẩu có xu hướng tăng nhẹ do thị trường Thổ Nhĩ Kỳ cải thiện, tuy nhiên chưa tác động lớn đến thị trường nội địa. Các tin tức trên đã được tổng hợp từ các tin tức thị trường sắt thép mới nhất.
1. Thị trường phế liệu
Sau khi một số nhà máy phía Nam giảm giá, sức ép với thị trường phế liệu tăng mạnh hơn, nhất là khi số liệu bán hàng thép xây dựng tuần đầu tháng 7 được công bố. Tuy nhiên, phế liệu vẫn khan và nhiều nhà máy lớn phía Bắc chưa điều chỉnh nên giá cơ bản chưa biến động.
Các điều chỉnh của nhà máy ở phía Nam như thép miền Nam và An Hưng Tường đã gây ra sự thận trọng lớn với thương nhân nhiều nơi do lo ngại các nhà máy khác sẽ điều chỉnh theo. Dù vậy, chưa có động thái cụ thể nào được đưa ra. Một số thương nhân lớn cho rằng phế khan nên nhiều nhà máy chưa thể điều chỉnh giá, chưa kể còn cần theo dõi thêm diễn biến thép xây dựng cả khi số liệu bán hàng tuần đầu tháng 7 giảm so với cùng kỳ tháng 6. Việc tiêu thụ thép xây dựng có khả năng giảm trong tháng 7 đã được dự báo từ trước nên có khả năng các nhà máy sẽ điều chỉnh chậm lại thay vì điều chỉnh dồn dập do việc giảm giá ở thời điểm này cũng có thể không thúc đẩy sự cải thiện rõ ràng về sức mua. Ngoài ra, điều chỉnh của An Hưng Tường thực tế chỉ là về mức giá Tuệ Minh đã áp dụng từ tháng 6. Trong khi đó, với thép miền Nam, mức điều chỉnh này tuy thấp hơn nhiều nhà máy khác nhưng xét về khoảng cách với nhà máy phía Bắc lại đang tương đương khoảng cách thông thường. Cũng vì các lý do trên nên khi các nhà máy lớn khác chưa điều chỉnh, thương nhân vẫn giá. Một số thương nhân cho biết do phế khan nên nếu giảm giá sẽ ảnh hưởng nguồn cung.
Đối với phế liệu nhập khẩu, thị trường Thổ Nhĩ Kỳ tiếp tục cải thiện nhẹ nên có thể thúc đẩy một số thị trường khác tăng theo, nhất là nguồn cung phể từ Mỹ. Đối với phế liệu từ Nhật Bản, giá nội địa cũng có xu hướng nhích lên và thị trường Hàn Quốc đang có dấu hiệu ngừng giảm giá. Điều này khả năng sẽ kéo giá chào phế nhập khẩu H2 từ Nhật Bản qua mốc 370 USD/tấn CFR tuần này. Tuy nhiên, do người mua có tâm lý chờ đấu thầu Kanto tháng 7 nên diễn biến thị trường phế nhập khẩu tuần này khả năng chưa nhiều điều chỉnh, nhất là tới giữa tuần. Vì thế, tác động tới thị trường nội địa cũng không nhiều. Một số nguồn tin riêng của GiaThepton cho biết lượng phế nhập khẩu cập cảng đầu tháng 7 của nhà máy tăng và đây có thể sẽ là yếu tố cần chú ý hơn liên quan tới thị trường phế nội địa giai đoạn này.
2. Thị trường phôi
Giao dịch trên thị trường phôi vẫn khá ít, giá cũng ít điều chỉnh, đồng thời thương nhân vẫn đang theo dõi động thái từ phía nhà máy.
Tiêu thụ thép xây dựng của 9 nhà máy lớn miền Bắc ước tính đạt 107,000 tấn, tiếp tục giảm so với tháng trước, khoảng 22,000 tấn. Con số này cho thấy sức mua trên thị trường thép xây dựng đã suy yếu hơn nữa trong tháng 7, ảnh hưởng đến nhu cầu nhập phôi. Giao dịch phôi trong hôm nay vì thế cũng giống với những hôm trước, khá trầm lắng. Người bán ít chào bán, nên giá phôi vẫn ở mức 12,100-12,200đ/kg, chưa VAT, kho người bán. Tâm lý thị trường chủ yếu vẫn là chờ đợi trong bối cảnh nhiều tin tức về việc các nhà máy vẫn giảm tiếp trong tuần này hoặc tuần tới, và giảm với thép cây. Nếu vậy, giá phôi có khả năng sẽ giảm tiếp.
Loại Phôi |
Thị trường/ Loại giá (đồng/kg, có VAT) |
9/7 | 8/7 | +/- | % |
Phôi trung tần (130*130*6000, SD295A) | Miền Bắc/ kho người bán | 13,310 - 13,420 | 13,310 - 13,420 | 0 | 0.0% |
Ở thị trường xuất khẩu, sự suy giảm của thị trường Trung Quốc vẫn đang tác động mạnh đến tâm lý thị trường phôi xuất khẩu của Việt Nam. Giá phối Đường Sơn tạm thời ổn định trong hôm nay nhưng ngày hôm qua đã giảm đến 50 NDT/tấn, xuống mức 3,280 NDT/tấn (451 USD/tấn). Giá chào phôi xuất khẩu của nước này có thể sẽ tiếp tục duy trì ở mức thấp, áp lực cạnh tranh lên các thị trường khác chưa dứt. Giá phôi xuất khẩu của Việt Nam ở mức 490 USD/tấn FOB, cao hơn so với các thị trường khác, nên có thể sẽ phải giảm nhẹ tiếp trong thời gian tới.
3. Thị trường HRC
Giá kỳ hạn tại Trung Quốc tiếp tục giảm gây ra sức ép điều chỉnh lớn với nội địa. Tuy nhiên, thương nhân hầu như vẫn cố gắng giữ giá niêm yết, chỉ điều chỉnh các chính sách bán hàng linh hoạt.
Thị trường thép Trung Quốc tiếp tục suy giảm với hầu hết các mặt hàng và chưa có dấu hiệu nào cho thấy sẽ ngừng giảm khi cầu thực tế vẫn yếu trong khi không có thêm chính sách vĩ mô tích cực nào được đưa ra. Giá HRC chốt phiên trưa ngày 9/7 đã giảm về mức 3,707 NDT/tấn. Với đà suy giảm này, khả năng giá HRC kỳ hạn mất mốc 3,700 NDT/tấn là rất dễ xảy ra. Cũng vì thế, chào giá HRC nhập khẩu cũng giảm khá nhanh khi Q235 đã về dưới 520 USD/tấn CFR và có thông tin giao dịch thành công chỉ ở mức 516 USD/tấn CFR. Chào giá giảm và xuất hiện giao dịch giả thấp đồng nghĩa với việc áp lực với thị trường nội địa sẽ tăng thêm.
Thương nhân nội địa dù chịu sức ép nhưng vẫn đa phần giữ giá niêm yết, chỉ điều chỉnh chính sách bán hàng linh hoạt. Theo thương nhân cần ưu tiên giữ giá niêm yết vì nếu giảm thêm giá bán sẽ dưới giá nhập. Mặt khác, các nhà máy hạ nguồn chưa có động thái điều chỉnh nên cũng hỗ trợ giá HRC nội địa. Thương nhân nội địa cũng muốn chờ giá tháng 7 của Formosa Hà Tĩnh, có thể công bố cuối tuần này để có thêm cơ sở điều chỉnh. Dù vậy, nếu giá kỳ hạn vẫn giảm mạnh hơn, cũng không loại trừ giá HRC nội địa phải giảm nhẹ từ giữa tuần.
4. Thị trường thép ống, hộp
Việc giá HRC kỳ hạn chưa có dấu hiệu ngừng giảm khiến cho sức ép gia tăng nhiều hơn đối với thị trường thép ống, hộp ở tuần này.
Mặc dù chưa có thêm thông tin điều chỉnh từ các nhà máy nhưng với diễn biến giá HRC kỳ hạn, giá chào nhập khẩu và sức mua, khả năng điều chỉnh giá đối với thép ống, hộp vẫn sẽ xuất hiện trong tuần này. Các chính sách của nhà máy phía Nam có thể vẫn mang tính ngắn hạn và chỉ giảm nhẹ trong khi ở phía Bắc không loại trừ là việc giảm nhẹ đồng loạt như từng diễn ra ở tháng 6. Một số nhà máy cho biết vẫn đang duy trì chính sách hỗ trợ cho thương nhân và chờ thêm diễn biến giá HRC cũng như động thái từ các nhà máy lớn. Ngoài giá HRC kỳ hạn và giá chào nhập khẩu, các nhà máy cũng chú ý tới giá của Formosa Hà Tĩnh, khả năng công bố vào cuối tuần này.
Theo nhận định của thương nhân, tình hình cầu nhìn chung không có sự cải thiện, thậm chí thấp hơn cùng kỳ tháng 6 trong khi giai
đoạn tới thị trường còn bước vào tháng 7 âm lịch. Cũng vì lý do này nên thương nhân có dấu hiệu chủ động tăng cường chính sách
bán hàng linh hoạt khiến cho giá bán ra có sự chênh lệch khá rõ với cùng một thương hiệu. Đa số thương nhân đều ưu tiên việc giảm tồn kho, thu hồi vốn trong giai đoạn này nên lượng hàng bổ sung mới cũng không quá nhiều.
5. Xuất nhập khẩu
- Chào giá wire rod nhập khẩu về Việt Nam ngày 9/7: Tiếp tục giảm nhẹ
Theo Quyết định 693/QĐ-BCT về việc gia hạn áp dụng biện pháp chống lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại đối với sản phẩm thép cuộn và thép dây nhập khẩu wire rod chịu thuế 6.3% từ ngày 22/3/2023 đến 21/3/2024. Từ ngày 22/3/2024 đến ngày 21/3/2025, mức thuế áp dụng là 6.2%.
Lượng nhập khẩu wire rod hàng năm của Việt Nam không quá nhiều và phần lớn là nhập khẩu từ Trung Quốc. Ngoài ra còn có nhập khẩu từ Indonesia. Đối với Indonesia do trong khu vực ASEAN nên mức thuế này bằng 0%.
- Chào giá HRC Q235, Q355 nhập khẩu về Việt Nam ngày 9/7: Giảm giá
Giá kỳ hạn tiếp tục giảm nên giá chào HRC nhập khẩu cũng giảm thêm 4-5 USD/tấn. Cụ thể:
- HRC Q235 Trung Quốc (xin bid): 516-517 USD/tấn CFR, giao hàng tháng 9/2024.
- HRC Q235 Trung Quốc cuôn nhám (xin bid): 525-526 USD/tấn CFR, giao hàng tháng 9/2024.
- HRC Q355 Trung Quốc (xin bid): 533-534 USD/tấn CFR, giao hàng tháng 9/2024.
Theo một số nguồn tin thị trường đã có giao dịch Q235 giá khoảng 515-516 USD/tấn CFR nhưng chưa có khối lượng cụ thể. Theo đánh giá của GiaThepton, lô hàng này khoảng 3-5 nghìn tấn, tương tự như các giao dịch Q235 trước đó.
6. Doanh nghiệp
Tin nóng: Formosa Hà Tĩnh giữ giá HRC tháng 7/2024
Bất ngờ đã xảy ra trong tháng 7/2024 khi Formosa Hà Tĩnh công bố giá sớm hơn dự kiến và đặc biệt là giữ giá đi ngang.
Trong bối cảnh giá kỳ hạn giảm khá sâu và trước đó Hòa Phát Hưng Yên đã giảm giá HRC tháng 7/2024 thêm 320đ/kg ngay đầu tháng 7, đa số nhận định cho rằng Formosa Hà Tĩnh sẽ tiếp tục giảm giá HRC sau khi đã giảm khá mạnh ở tháng trước, dự kiến công bố vào cuối tuần này. Tuy nhiên, trái với các dự đoán này, Formosa Hà Tĩnh bất ngờ công bố giá HRC tháng 7/2024 ngay đầu tuần và điều bất ngờ hơn nữa là giá giữ nguyên so với tháng 6/2024. Như vậy, đây là tháng đầu tiên kể từ đầu năm 2024, Formosa Hà Tĩnh không điều chỉnh giá. Dù vậy, cần lưu ý rằng Formosa Hà Tĩnh vẫn thường áp dụng điều chỉnh bổ sung ở giai đoạn cuối tháng nên cũng chưa thể khẳng định đây là giá cuối cùng áp dụng cho các đơn hàng giao tháng 9/2024.
Tính từ đầu năm 2024 đến nay, diễn biến giá HRC của Formosa liên tục biến động. Ở tháng 2 và tháng 3/2024 đều là các đợt điều chỉnh giảm chính thức và giảm bổ sung sau đó. Trong tháng 4, giá cơ bản đi ngang theo VND nhưng vẫn giảm nhẹ 5 USD/tấn khi quy đổi sang USD. Đến tháng 5/2024, nhà máy này tăng giá ở đợt công bố chính thức 20 USD/tấn nhưng sau đó lại giảm giá bổ sung ở tuần 3 của tháng với mức giảm 15 USD/tấn. Đến tháng 6/2024, Formosa Hà Tĩnh giảm giá ở đợt công bố chính thức và có tin đồn giảm giá bổ sung sau đó nhưng không có thông tin cụ thể nào được đưa ra. Đến tháng 7/2024, nhà máy này quyết định giữ giá HRC như tháng 6/2024 sau khi công bố giá chính thức. Cụ thể như sau:
- SAE 1006 Skinpass: 565-575 USD/tan CIF.
- SAE 1006 non-Skinpass: 560-570 USD/tan CIF.
(Ghi chú: Giá áp dụng cho khách hàng mua với khối lượng khác nhau. Giá quy đổi tại thời điểm công bố nên sẽ có thể bị lệch do tỷ giá biến động)